Sữa Việt Nam

Kỹ thuật chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học

Để có cơ sở chăn nuôi bò sữa theo hướng an toàn sinh học cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ xây dựng chuồng trại, quản lý con giống và giống, vệ sinh chăn nuôi, quản lý thức ăn, dịch bệnh, vệ sinh vắt sữa…

 Chuồng trại

 

Cần đảm bảo các yếu tố như cách xa đường giao thông, khu dân cư và nguồn nước sinh hoạt. Ở các cổng ra vào của các khu chuồng trại và ở đầu mỗi dãy chuồng phải bố trí hố khử trùng, bể làm lắng, hố ủ phân và khu vực xử lý nước thải cần bố trí ở phía cuối trại, hướng chuồng Ðông Nam hoặc Ðông Bắc, nền chuồng không trơn láng, dễ thoát nước.

 

Các thiết bị, dụng cụ chứa thức ăn, nước uống phải đảm bảo không gây độc và dễ vệ sinh tẩy rửa. Các dụng cụ khác trong chuồng phải đảm bảo dễ vệ sinh, tẩy rửa sau mỗi lần sử dụng.

 

Các kho thức ăn, kho thuốc thú y, kho hóa chất và thuốc sát trùng, kho thiết bị… phải được thiết kế đảm bảo thông thoáng, không ẩm thấp và dễ vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

 

Con giống

 

Cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại cơ sở phải thực hiện công bố tiêu chuẩn. Chất lượng con giống phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn đã công bố. Con giống phải được quản lý và sử dụng phù hợp theo quy định hiện hành. Ðồng thời, khi mới nhập bò về phải nuôi cách ly để theo dõi, kiểm tra, bấm số tai, có sổ sách ghi chép đầy đủ thông tin.

 

Trước khi nhập bò phải vệ sinh chuồng trại, quét dung dịch vôi và phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Bò mới mua về phải đưa vào nơi nuôi cách ly để quen với hệ thống chuồng trại, khẩu phần thức ăn. Ghi chép lại những biểu hiện khác thường của bò sữa trong thời gian nuôi thích nghi để lưu giữ hồ sơ lý lịch.

 

Thức ăn, nước uống

 

Thức ăn thô xanh cho bò sữa không lẫn chất bẩn, các mẫu kim loại, không nhiễm độc thuốc bảo vệ thực vật, không quá mốc… phân hữu cơ bón trên đồng cỏ phải được xử lý trước khi bón. Khi xuất nhập nguyên liệu và thức ăn phải ghi chép đầy đủ các thông tin về số lượng, tên, ngày sản xuất, hạn sử dụng, đánh giá cảm quan, mùi vị… Khi đưa vào kho bảo quản, phải đặt đúng vị trí hoặc đúng với bồn chứa đã được đánh dấu.

 

Không sử dụng thức ăn thừa của đàn đã xuất chuồng, thức ăn của đàn đã bị dịch cho đàn mới.

 

Ðối với nguyên liệu dự trữ phải đạt yêu cầu về độ ẩm và để trong kho có đủ các tiêu chuẩn về diện tích, độ thông thoáng, nhiệt độ và ngăn ngừa sự phá hoại của sâu mọt, nấm mốc, côn trùng.

 

Nước dùng cho bò sữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Thành phần vô cơ (asen, xianua, chì và thủy ngân), vi sinh vật (vi khuẩn hiếu khí và coliform tổng số) dưới mức cho phép. Hệ thống cấp nước, chứa nước không bị hở, không bị rò rỉ, không bị ô nhiễm do bụi bặm, chất bẩn… Có thể sử dụng nước máy, nước giếng khoan để thực hiện các công việc vệ sinh.

 

Vệ sinh thú y

 

Kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm khu vực nuôi như hệ thống thoát nước, chuồng trại, mật độ nuôi, hệ thống thông gió. Thường xuyên thay thuốc sát trùng của hố khử trùng.

 

Ðịnh kỳ phát quang bụi rậm, khơi thông và vệ sinh cống rãnh trong khu chăn nuôi ít nhất 1 lần/tháng. Ðịnh kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh các dãy chuồng và khu chăn nuôi, ít nhất 2 tuần/lần.

 

Tất cả phương tiện vận chuyển khi vào trại chăn nuôi, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và phải được phun thuốc sát trùng. Mọi người trước khi vào khu chăn nuôi phải thay quần áo, giầy dép và mặc quần áo bảo hộ của trại. Áp dụng phương thức chăn nuôi “cùng vào cùng ra” theo thứ tự ưu tiên cả khu, từng dãy, từng chuồng, từng ô. Sau mỗi đợt nuôi phải làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa đàn mới đến. Trong trường hợp trang trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày.

 

Quản lý bò sữa

 

Cần có khu vực vắt sữa riêng, đủ diện tích, ánh sáng, nguồn nước sạch, có trang bị hệ thống thanh ngáng, giá cố định… để đảm bảo an toàn cho người vắt sữa.

 

Người vắt sữa phải có sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm, sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động và vệ sinh sạch sẽ trước khi vắt sữa. Dụng cụ vắt sữa (xô đựng sữa, khăn lau bầu vú, cốc nhúng núm vú) phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng trước khi dùng.

 

Ghi chép số lượng bò khai thác sữa, sản lượng sữa, tình trạng sức khỏe của từng con. Tách riêng bò ốm đang điều trị, bò cạn sữa ra khỏi đàn bò khỏe đang vắt sữa. Bò không đủ tiêu chuẩn thu gom sữa để vắt sữa sau cùng.

 

Sữa được đựng trong thùng vận chuyển và đưa đến nơi thu gom trong thời gian ngắn nhất.

 

Khi vắt sữa cần đảm bảo 4 đúng: Ðúng giờ, đúng người, đúng địa điểm, đúng kỹ thuật.

 

Kiểm soát dịch bệnh

 

Phải thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và có lịch tiêm phòng các bệnh theo quy định hiện hành. Không bán bò trong thời gian cách ly thuốc.

 

Việc sử dụng thuốc và vaccine phải tuân theo hướng dẫn của cơ quan thú y, cán bộ thú y và nhà sản xuất.

 

Khi điều trị bệnh, cần ghi chép thông tin đầy đủ về dịch bệnh, tên thuốc, liều lượng, lý do dùng, thời gian dùng, người điều trị, thời điểm ngưng thuốc. Khi phát hiện bò chết phải báo với cán bộ kỹ thuật để có biện pháp xử lý.

 

Xử lý chất thải

 

Chất thải rắn phải được thu gom hàng ngày và vận chuyển đến nơi tập trung để xử lý, tránh gây mùi khó chịu cho dân cư sống lân cận và sinh ruồi nhặng. Chất thải lỏng phải được thải trực tiếp vào khu xử lý chất thải, không được cho chảy ngang qua các khu chăn nuôi khác hay trực tiếp ra môi trường. Nước thải sau khi xử lý phải đạt được tiêu chuẩn hiện hành trước khi thải ra môi trường.

 

Nguồn: Sưu tầm
Ý kiến của bạn
Tên của bạn * :
E-mail * :
Tiêu đề * :
Nội dung * (Bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu):
 
Mã bảo mật * :   
   
Bài viết khác